Kinh tếMôi trường rừng

Động lực giữ rừng của người dân Nậm Pồ

08:45 - Thứ Ba, 09/05/2023 Lượt xem: 1778 In bài viết

ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) những năm qua đã phát huy hiệu quả thiết thực, là động lực để người dân huyện Nậm Pồ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Được hưởng hỗ trợ từ DVMTR người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cùng nhân dân, cơ quan chức năng kiểm tra rừng trên địa bàn.

Gia đình bà Thùng Thị Tiện ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa thu nhập trước đây đều phụ thuộc vào nương lúa, nương ngô nhưng mấy năm nay, gia đình bà không còn làm nương mà chuyển sang chăn nuôi lợn. Phần vì làm nương vất vả, kém hiệu quả, phần khác quan trọng hơn là gia đình bà Tiện đã được hưởng chính sách chi trả DVMTR nên cả nhà càng ý thức hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Thay vì làm nương, từ số tiền DVMTR được hưởng, bà Tiện đã vay thêm vốn đầu tư chăn nuôi, tạo sinh kế ngoài nương. Nhờ chăm chỉ, tích cực học hỏi kỹ thuật chăn nuôi và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, chăn nuôi của gia đình bà hiệu quả với mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, đời sống cũng khấm khá hơn.

Bà Tiện chia sẻ: “Gia đình cũng khó khăn, làm nương thì vất vả mà đất lại nhanh bạc màu, không hiệu quả nên chúng tôi đã chuyển sang nuôi lợn thịt cung cấp cho thương lái. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm thì nuôi lợn nhàn hơn; sau khi trừ chi phí vẫn cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với làm nương. Còn diện tích nương của nhà thì để nó phát triển thành rừng, sau này Nhà nước đo đạc rồi mình còn được hỗ trợ, hưởng tiền chi trả DVMTR nữa”.

Năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) mới đạt 53%, thế nhưng đến nay tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt hơn 62%. Theo lộ trình, xã Chà Nưa phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng toàn xã sẽ đạt 70%. Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung định hướng cho bà con chăn nuôi, phát triển kinh tế dưới tán rừng, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ làm nương sang chăn nuôi hay tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp, đảm bảo thu nhập và quan trọng không phụ thuộc vào nương, ảnh hưởng đến sự phát triển rừng. Đặc biệt, việc được chi trả DVMTR đã giúp không ít hộ gia đình từ bỏ làm nương để phát triển kinh tế ngoài nương, hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng xấu đến rừng. Theo thống kê, đến nay trên 80% hộ dân xã Chà Nưa không còn làm nương.

Không được hưởng tiền DVMTR nhiều như xã Chà Nưa nhưng người dân xã Vàng Đán cũng rất ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của xã Vàng Đán chỉ khoảng 30%, đồng nghĩa với đó là số tiền chi trả DVMTR người dân được hưởng cũng không cao. Trung bình mỗi năm, trừ các khoản chi tiêu chung của cộng đồng, mỗi hộ nhận về chỉ khoảng một triệu đồng. Mặc dù nguồn hỗ trợ không đáng kể nhưng cũng phần nào tạo cho bà con có thêm tinh thần, thể hiện rõ hơn trách nhiệm trong việc giữ rừng. 

Khi được hưởng tiền DVMTR, người dân đã nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Trong ảnh Người dân và lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích rừng trên địa bàn xã Nậm Chua.

Ông Giàng Mùa Dếnh, bản Huổi Khương, xã Vàng Đán cho biết: “Khi nhận được tiền chi trả DVMTR, cộng đồng bản chia cho tổ bảo vệ rừng, còn lại chia cho các hộ trong bản. Những năm trước, gia đình được nhận về 1 triệu đồng; năm nay, một số nhà tách hộ, bản nhiều hộ dân hơn nên chỉ được 800 nghìn đồng/hộ. Số tiền không nhiều nhưng đó cũng là khoản chi tiêu cho gia đình; hơn thế là mình vẫn bảo vệ được rừng xanh tốt hơn…”.

Nậm Pồ hiện có khoảng 50.000ha rừng được chi trả tiền DVMTR, với số tiền khoảng 50 tỷ đồng. Các xã có diện tích rừng được chi trả DVMTR lớn chủ yếu thuộc vùng ngoài huyện Nậm Pồ như các xã: Chà Cang, Chà Tở, Chà Nưa, Nậm Khăn và Pa Tần. Các xã khu vực vùng trong như: Nà Hỳ, Nà Khoa, Nà Bủng, Vàng Đán, Nậm Chua, Nậm Tin hay Nậm Nhừ, dù số tiền được chi trả thấp hơn, diện tích ít hơn nhưng toàn bộ nguồn hỗ trợ đều được sử dụng đúng mục đích và phát huy được giá trị trong thực tiễn.

Để có được hiệu quả ấy, ngoài sự chủ động của các chủ rừng trong việc quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR, chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng đã quan tâm và có cách làm nhất định để chính sách chi trả DVMTR thực sự phát huy hiệu quả. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo bà con sử dụng tiền DVMTR sao cho đúng mục đích, hiệu quả thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo. Huyện yêu cầu UBND các xã theo dõi, hướng dẫn cho các chủ rừng và đề nghị ngân hàng chính sách xã hội, lực lượng kiểm lâm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục sao cho 100% số tiền DVMTR đến tay người dân thuận lợi và sử dụng hiệu quả nhất.

Ở Nậm Pồ hiện nay ngay với những địa bàn, người dân hưởng tiền DVMTR chưa nhiều nhưng họ vẫn giữ rừng rất hiệu quả. Số tiền được hưởng từ chi trả DVMTR dẫu không nhiều song phần nào đã giúp bà con giảm bớt gánh nặng chi tiêu trong cuộc sống. Thực tế đó khẳng định hiệu quả việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tạo động lực thúc đẩy nhân dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top